Tin tức

Phản ứng thuốc thường gặp

(08/10/2013)

Khoảng 2/3 bệnh nhân bị phản ứng thuốc tự mua thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ. 72% bệnh nhân không biết mình đã sử dụng thuốc loại gì hay tên gì. Đó là kết quả nghiên cứu "Các đặc điểm phản ứng da do thuốc ở bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Da liễu TP HCM" do các bác sĩ của bệnh viện thực hiện.

Khoảng 2/3 bệnh nhân bị phản ứng thuốc tự mua thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ. 72% bệnh nhân không biết mình đã sử dụng thuốc loại gì hay tên gì. Đó là kết quả nghiên cứu "Các đặc điểm phản ứng da do thuốc ở bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Da liễu TP HCM" do các bác sĩ của bệnh viện thực hiện.

Phản ứng thuốc

Phản ứng thuốc biểu hiện rất đa dạng:

- Dạng nhẹ thường hay gặp là nổi mề đay, chàm, viêm da tróc vảy, hồng ban đa dạng, hồng ban sắc tố cố định tái phát, đỏ da toàn thân, phát ban không đặc hiệu.

- Dạng nặng có thể ảnh hưởng đến nội tạng và đôi khi gây chết người như hội chứng Steven Johnson, hội chứng Lyell.

Các phản ứng thuốc có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau một thời gian điều trị, tuỳ theo phản ứng thuộc loại miễn dịch nhanh hay chậm hoặc là phản ứng tích tụ nhiễm độc.

Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu 420 hồ sơ của bệnh nhân bị phản ứng thuốc được điều trị nội trú tại Bệnh viện Da liễu TP HCM từ năm 1995-1999 cho thấy:

- 34,2% bệnh nhân uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

- 65,8% tự mua thuốc.

Phản ứng thuốc hay gặp nhất là hồng ban đa dạng, chiếm 44,5%.

Bệnh nhân nữ bị phản ứng thuốc là 58,7% so với 41,4% bệnh nhân nam.

Điều đáng chú ý là nhiều bệnh nhân gần như không biết gì về loại thuốc mình đã sử dụng:

- Chỉ 28% số bệnh nhân nhớ và khai báo loại thuốc đã sử dụng.

- Còn 72% không biết mình dã sử dụng thuốc loại gì hay tên gì.

Việc lưu ý giữ gìn đơn thuốc, chú ý đến tên thuốc hoặc nhóm thuốc đã sử dụng sẽ giúp ích rất nhiều cho thầy thuốc trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa cho bệnh nhân, tránh tái bị phản ứng thuốc.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phản ứng thuốc và nhất là tái phản ứng thuốc là do người sử dụng thiếu hiểu biết về thuốc, do thói quen tự mua thuốc không cần đơn của bác sĩ, hoặc không tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.

Các thuốc hay gây phản ứng là:

- Kháng sinh: 24,3%

- Thuốc đông y: 21,5%

- An thần: 14,9%

- Thuốc trị sốt rét, tẩy giun, kháng sinh bôi ngoài da: 18%.

- Sulfamid: 13,1%

- Giảm đau hạ nhiệt: 12,1%

Các bác sĩ cho biết, tại một số quốc gia, những bệnh nhân đặc biệt dị ứng thuốc đều được cấp thẻ mang theo, trong đó ghi lại tình trạng dị ứng và loại thuốc mà bệnh nhân bị phản ứng.

Công tác giáo dục sức khoẻ cho người dân cũng rất quan trọng, nếu thực hiện tốt, có thể giúp người bệnh hiểu rõ nguy cơ và tránh tái phát trong tương lai.

(Theo Tuổi Trẻ, 2/2).

Tìm kiếm
Quảng cáo
  • Tin mới
Quảng cáo
  • Qc2
    Qc2
Thống kê